Chi tiết tin - Thanh Tra Tỉnh

slider

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước

15:5, Thứ Tư, 2-8-2023

Phòng, chống tham nhũng từng bước mở rộng hoạt động ra khu vực ngoài nhà nước. Đây được xem là chế định mới sẽ có tác động trực tiếp đến khu vực ngoài nhà nước, làm thay đổi quan điểm cho rằng phòng, chống tham nhũng chỉ đặt ra trong khu vực nhà nước. Hành vi tham nhũng cũng như chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước là khác nhau. Nếu như khu vực nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 12 hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện thì đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ quy định 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: (1) Tham ô tài sản; (2) Nhận hối lộ và (3) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi áp dụng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng; ngày 03/01/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Văn bản số 3498/UBND-NC ngày 14/7/2023 về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị; UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất: Tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động, thành viên, hội viên thực hiện tốt quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tham nhũng; tham gia kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;  phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức các diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai: Căn cứ quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo  đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình tùy thuộc vào đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, người hoạt động kinh doanh của đơn vị; tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên.

  Thứ ba: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng; xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

  Thứ tư: Các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng sau:

  - Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch, nội dung công khai minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai minh bạch theo quy định tại Điều 9, các Điểm a, c và d Khoản 1 Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Điều 53 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP:

  + Căn cứ vào đặc thù trong tổ chức, hoạt động, có trách nhiệm quy định cụ thể hình thức công khai, nội dung công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

  + Về nội dung công khai: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân  sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, ngoài việc phải công khai các nội dung tại mục a, điểm 4 nêu trên còn phải công khai, minh bạch các nội dung: Quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; kết quả huy động, bao gồm: Danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.

  - Thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 23, Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Điều 54 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP:

  + Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức;

  + Quy định cụ thể việc tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích;

  + Quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.

  + Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

  - Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, do mình quản lý, phụ trách:

  + Quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu  khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách.

  + Quy định cụ thể hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách.

  + Quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách.

  Nhằm tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; pháp luật khác có liên quan và tình hình đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong tổ chức mình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao tính minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình./.

 

                             Nguồn tin: phòng Phòng chống tham nhũng – Thanh tra tỉnh

Các tin khác
  • pageHolder.getStart() - 0
  • pageHolder.getNumberObjects() - 10
  • numberArticle - 10
  • numberRelation - 0
THANH TRA TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐC: 235 Đường Hùng Vương, Thành phố Đông Hà, Quảng Trị
ĐT: 0233.3852337- Fax: 0233.3553350